Khái niệm Giai_cấp

Thuật ngữ giai cấp dùng "để chỉ một nhóm xã hội mà các thành viên có vị trí tương đương nhau trong một cơ cấu bất bình đẳng khách quan về vật chất do một hệ thống những quan hệ kinh tế đặc trưng cho một phương thức sản xuất cụ thể tạo ra". Nhà xã hội học người Mỹ Rodney Stark định nghĩa: "Giai cấp là nhóm người chia sẻ một vị trí giống nhau trong hệ thống phân tầng xã hội".

Thực tế, xã hội phân hóa thành các giai cấp khác nhau, nhưng cách hiểu về giai cấp lại không giống nhau. Người ta thường hiểu giai cấp là một nhóm xã hội có vị trí kinh tế, chính trị và xã hội giống nhau nhưng không được quy định chính thức, không được thể chế hóa mà do sự nhận diện theo những chuẩn mực xã hội nhất định như giàu - nghèo, chủ - thợ, thống trị - bị trị,...

Theo Marx, chuẩn mực chủ yếu của sự phân chia giai cấp xã hội là quan hệ đối với tư liệu sản xuất, có sở hữu về tư liệu sản xuất hay không, là vai trò đối với quá trình sản xuất - quản lý quá trình đó hay bị quản lý quá trình đó, là cách phân chia kết quả sản xuất - cách phân phối và hưởng thụ sản phẩm xã hội. Với những chuẩn mực kinh tế ấy, các giai cấp có những dấu hiệu xã hội và chính trị khác nhau như lối sống, địa vị xã hội, văn hóa, ý thức, v.v...

Khác với Marx, nhà xã hội học Max Weber vẫn lấy chuẩn mực kinh tế để phân chia giai cấp, nhưng Weber cho rằng mối liên hệ nhân quả giữa kinh tế và xã hội, chính trị, ý thức phức tạp hơn nhiều. Vị trí kinh tế quy định ý thức và hành động, nhưng địa vị xã hội cũng dẫn tới một quy chế trong cơ cấu kinh tế.

Lý thuyết giai cấp và danh tiếng của Warner

Lý thuyết của Warner được gọi là lý thuyết danh tiếng vì trong đó ông xác định giai cấp của cá nhân bằng cách hỏi những người khác xem họ sắp xếp thứ tự cộng đồng thế nào theo "danh tiếng" của cá nhân đó. Dựa theo kết quả thống kê đó, Warner chia ra 6 nhóm giai cấp khác nhau trong xã hội:

  1. Thượng lưu trên;
  2. Thượng lưu dưới;
  3. Trung lưu trên;
  4. Trung lưu dưới;
  5. Hạ lưu trên;
  6. Hạ lưu dưới.

Lý thuyết đẳng cấp và giai cấp

Các nhà xã hội học theo thuyết này phân biệt hai cấp độ khác nhau giữa đẳng cấp và giai cấp.

  • Đẳng cấp là những vị trí, trong đó con người sinh ra và cuộc đời họ tồn tại ở đó. Các thành viên trong cùng đẳng cấp có một địa vị được có sẵn, chứ không phải là một địa vị phải phấn đấu mới đạt được. Phân chia đẳng cấp là một dạng của phân tầng xã hội đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Ví dụ, Trung Hoa cổ đại có quân tử và tiểu nhân, thứ dân (sĩ, nông, công, thương). Hy Lạp cổ đại có dân tự do và dân nô lệ. Ấn Độ cổ đại có bốn đẳng cấp: tăng lữ, chiến binh, thợ thủ công, và người làm ruộng và đầy tớ.
  • Giai cấp, cũng giống như đẳng cấp, giai cấp cũng là tầng lớp xã hội nhưng dựa trên tiêu chuẩn kinh tế như nghề nghiệp, thu nhập và của cải. Giai cấp nhìn chung là "mở" và ít nhiều có những khoảng trống để người mới đến có thể gia nhập. Trong xã hội hiện đại có xu hướng liên hệ mật thiết giữa giai cấp và di động xã hội.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giai_cấp http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/4... http://etext.lib.virginia.edu/cgi-local/DHI/dhi.cg... http://web.archive.org/20031204093507/homepage.mac... http://web.archive.org/20040123021659/homepage.mac... http://web.archive.org/20040423151144/homepage.mac... http://www.classism.org http://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/j... http://mises.org/journals/jls/9_2/9_2_5.pdf http://mm.mises.org/mp3/marxism/Raico.mp3 http://www.mises.org/journals/jls/1_3/1_3_2.pdf